Bài toán chi tiêu cá nhân là vấn đề nhiều người suy nghĩ. Nếu bạn đang phân vân về việc dành bao nhiêu thu nhập cho các nhu cầu cơ bản, giải trí, tích lũy, SnF sẽ hướng dẫn cách lập kế hoạch chi tiêu cá nhân chi tiết, hiệu quả qua bài viết sau nhé!
1. Kế hoạch chi tiêu cá nhân là gì?
Kế hoạch chi tiêu là một danh sách mô tả chi tiết các khoản thu nhập và chi phí của một người hoặc một gia đình trong khoảng thời gian nhất định, thường là hàng tháng. Bảng kế hoạch này cho phép bạn đánh giá mức độ chi tiêu của mình, xác định các khoản ưu tiên và các khoản chi phí không cần thiết.
2. Lợi ích của việc lập kế hoạch chi tiêu cá nhân
Lợi ích của việc lập kế hoạch chi tiêu cá nhân cụ thể như sau:
- Hiểu rõ về cách vận hành của tiền, các vấn đề tài chính đang gặp phải, từ đó tìm ra cách giải quyết phù hợp.
- Kiểm soát chi tiêu, chi các mức chi cho nhu cầu giải trí, mục tiêu cá nhân đều được đáp ứng và giải quyết hợp lý.
- Hạn chế lãng phí tiền vào những công việc vô bổ, hạn chế các khoản nợ, vấn đề tài chính khác.
- Giúp bạn dễ dàng xây dựng các kế hoạch và mục tiêu tài chính, kế hoạch trong tương lai.
- Bạn sẽ có một khoản tiền dự phòng, tiết kiệm sẽ giúp bạn ứng phó kịp thời khi bị ốm, tai nạn, thất nghiệp hay bị cắt giảm lương do dịch bệnh…
- Giúp gia tăng tài sản của bạn. Số tiền không chỉ để tiết kiệm và chi tiêu mà còn được sử dụng để đầu tư cho kỹ năng mới, nâng cao thu nhập.
3. Cách lập kế hoạch chi tiêu cá nhân chi tiết
Bước 1: Đánh giá tình hình tài chính cá nhân
Xem lại tình hình tài chính cá nhân hiện tại, các khoản thu nhập, khoản đầu tư và các khoản vay trong vòng 1 tháng tới. Với việc thống kê rõ ràng sẽ giúp bạn lập kế hoạch chi tiêu hiệu quả nhất, tránh trường hợp không có tiền.
Bước 2: Đặt mục tiêu
Mục tiêu tài chính có thể là mục tiêu chi tiêu, mục tiêu đầu tư, mục tiêu tích lũy,… Bạn cần điền tên cụ thể và giá trị đạt được tương ứng cùng khoảng thời gian thực hiện.
Bước 3: Liệt kê tất cả các khoản chi trong 1 tháng
Bạn hãy tập thói quen ghi chép đầy đủ các khoản chi tiêu mỗi ngày. Rà soát lại và điều chỉnh các khoản chi chưa hợp lý và loại bỏ những khoản chi không cần thiết.
Bước 4: Sắp xếp các khoản chi theo nguyên tắc 50 – 30 – 20
50% sẽ dành cho các chi tiêu thiết yếu như tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt, điện, nước.
20% sẽ dùng cho mục tiêu đầu tư tài chính, tiết kiệm, trả các khoản vay.
30% cho chi tiêu cá nhân như hiếu hỷ, hội họp bạn bè, vui chơi giải trí.
4. Công thức 50 – 30 – 20 là gì?
Nhóm thiết yếu: 50%
Những khoản mục chính trong nhóm chi tiêu này bao gồm: nhà ở, di chuyển, thực phẩm… đều trực tiếp phục vụ đời sống hàng ngày. Các khoản chi này là các khoản chi thường xuyên và không biến động nhiều giữa các tháng.
Tốt nhất đừng để nhóm chi này vượt quá 50% thu nhập. Nếu bạn muốn sống trong một căn hộ tiện nghi, hãy tìm cách cắt giảm chi phí di chuyển bằng cách thuê gần chỗ làm hoặc tiết kiệm chi phí ăn uống bằng cách nấu ăn ở nhà.
Nhóm tích lũy: 20%
Nhiều chuyên gia khuyên rằng hãy dành 20% thu nhập để tích lũy hoặc đầu tư cho tương lai. Bạn có thể bắt đầu tiết kiệm cho chuyến du lịch hoặc chiếc xe mong ước hoặc tích lũy cho gia đình khi ốm đau, bệnh tật.
Tích lũy và tiết kiệm ở tuổi trẻ dường như là một việc không dễ thực hiện nhưng hãy bắt đầu sớm nhất có thể nếu bạn muốn có một khoản tiền kha khá cho những dự định lớn trong tương lai.
Nhóm linh hoạt: 30%
Bạn bè, giải trí, quần áo, gym hoặc những sở thích cá nhân là những khoản chi nằm trong nhóm này. Như tên gọi, đây là các khoản chi thường biến động giữa các tháng và tùy thuộc vào sở thích và lối sống của mỗi cá nhân.
Nếu mong muốn của bạn là tiết kiệm càng nhiều càng tốt, hãy cân nhắc dành 30% cho tích lũy và 20% thu nhập cho nhóm chi tiêu linh hoạt. Các con số mang tính tương đối và phụ thuộc vào thu nhập và mục tiêu tài chính của chính bạn.
Bên cạnh đó, để giúp cho nguồn ngân sách của mình có khoản thu nhập thụ thụ động, tài sản không chỉ “đứng im một chỗ” mà lại còn được gia tăng, sau đây là những yếu tố cần quan tâm khi gửi tiết kiệm:
Lãi suất
Dịch vụ chăm sóc khách hàng
Sự lợi nhuận, linh hoạt của gói tiết kiệm
Các chương trình khuyến mãi.
5. Những lưu ý khi lập kế hoạch chi tiêu cá nhân
Dưới đây là một số lưu ý bạn cần nắm để kế hoạch chi tiêu cá nhân được đảm bảo hiệu quả.
Kế hoạch cần dựa trên tình hình tài chính thực tế của bản thân: hãy soát xét lại các khoản thu nhập chính, phụ và các nhu cầu chi tiêu hàng ngày để lập kế hoạch phù hợp, tránh tình trạng quá thắt chặt.
Bạn hãy theo dõi từng giai đoạn thực hiện để kịp thời đưa ra những điều chỉnh hợp lý nếu có sự kiện ngoài mong muốn xảy ra: Sẽ có những lúc phát sinh vấn đề cần một khoản lớn tài chính, vì thế hãy điều chỉnh linh hoạt, dôi dư để chủ động trước mọi tình huống.
Sử dụng thêm các công cụ hỗ trợ lên kế hoạch như công cụ tính toán, ứng dụng thống kê chi tiêu, như Excel, app tính chi tiêu để tối ưu và hiệu quả hơn.